Máu gồm hai phần: các tế bào và huyết tương. · Các tế bào máu bao gồm:
- Hồng cầu: Chiếm số lượng nhiều nhất, chứa huyết sắc tố, đây là chất giúp cho máu có màu đỏ. Hồng cầu làm nhiệm vụ vận chuyển ôxy từ phổi đến các mô và nhận CO2 từ các mô lên đào thải ở phổi. Đời sống trung bình của Hồng cầu là 120 ngày. Mỗi ngày có khoảng 200 - 400 tỷ hồng cầu chết và được thay thế bằng những hồng cầu mới sinh ra từ tủy xương.
- Bạch cầu: Bạch cầu có chức năng bảo vệ cơ thể bằng cách phát hiện và tiêu diệt các “vật lạ” gây bệnh. Có nhiều loại bạch cầu khác nhau, với đời sống trung bình từ 1 tuần đến vài tháng. Bạch cầu cũng là nơi trú ngụ của HIV.
- Tiểu cầu: Là những mảnh tế bào rất nhỏ. Tiểu cầu tham gia vào chức năng cầm máu, tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch. Đời sống của tiểu cầu khoảng 5-7 ngày.
- Huyết tương: Là phần vô hình, có màu vàng, chứa chủ yếu là nước; ngoài ra còn nhiều chất rất quan trọng đối với sự phát triển, chuyển hóa của cơ thể như: Albumin, các yếu tố đông máu, các kháng thể, đường, vitamin, muối khoáng, hormon, các men... Huyết tương thay đổi theo giờ trong cơ thể, ví dụ sau bữa ăn huyết tương có màu đục và trở nên trong màu vàng chanh sau khi ăn từ một đến hai giờ. Máu có huyết tương đục sẽ không được sử dụng vì có thể gây sốc, gây dị ứng cho người bệnh. Vì vậy, người hiến máu chỉ nên ăn nhẹ, ăn ít đạm, ít mỡ trước khi hiến máu.
Nguồn: Viện Huyết học – Truyền máu TW